|
Quang cảnh Hội thảo
|
|
Nước là một trong những thành phần quan trọng của môi trường sống cần được bảo vệ, kiểm soát và phòng ngừa trước những thách thức phát triển và hội nhập kinh tế hiện nay. Ngày 3/8 tại Nghệ An, Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường) tổ chức Hội thảo “Định hướng các giải pháp sử dụng nước hiệu quả trong sản xuất và sinh hoạt”.
Cục trưởng Hoàng Minh Đạo cho biết, Việt Nam là quốc gia có nguồn nước khá dồi dào, tuy nhiên một vấn đề nổi cộm đối với nguồn tài nguyên nước là số lượng tuy lớn, nhưng chất lượng nước phục vụ cho các mục đích sinh hoạt và phát triển còn nhiều hạn chế.
Thống kê, Việt Nam có hệ thống sông ngòi dày với 2.372 sông với chiều dài từ 10km trở lên, trong đó có 109 sông chính. Tổng diện tích các lưu vực sông là 1.167.000 km2, trong đó, phần lưu vực nằm ngoài lãnh thổ là 835.422 km2, chiếm 72%. Tổng lượng nước mặt trên lãnh thổ nước ta khoảng 830-840 tỷ m3/năm, trong đó, lượng nước sinh ra ở phần lãnh thổ Việt Nam khoảng 310-315 tỷ m3/năm, chiếm khoảng 37%; lượng nước từ nước ngoài chảy vào khoảng 520-525 tỷ m3/năm, chiếm 63%.
Theo Cục trưởng Hoàng Minh Đạo, việc sử dụng nước tại Việt Nam còn ở mức thấp là do cơ sở vật chất và tài chính còn thiếu. Vấn đề khai thác và sử dụng nước chưa hợp lý đang gây ra sự lãng phí tài nguyên nước. Hiện chỉ có khoảng 60% dân số Việt Nam được cung cấp nước sạch cho sinh hoạt. Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất công nghiệp cũng sử dụng lượng nước đáng kể, gây ra nhiều áp lực đối với nguồn tài nguyên nước tại Việt Nam. Trong khi đó, việc tính toán lượng nước sử dụng, xác định những bất cập nảy sinh trong quá trình sử dụng nước trong cả sản xuất và sinh hoạt lại chưa được thống nhất cả về giới hạn phạm vi quản lý và triển khai thực hiện.
Ông Phạm Văn Hàn - Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, hiện nay, vấn đề xả nước thải gây ô nhiễm nguồn nước, gây ra tình trạng “có nước mà không sử dụng được” đang đe dọa đến tính an toàn, bảo đảm an ninh về nước đang là một trong các vấn đề khó khăn nhất đối với công tác quản lý. Tính đến tháng 7/2011, Bộ TN&MT mới cấp được 16 Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước trên phạm vi cả nước. Các tỉnh cấp được khoảng 400 Giấy phép. So sánh với thực tế số lượng Giấy phép được cấp còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, phát triển dân số nhanh và công nghiệp hóa là nguyên nhân chủ yếu khiến các dòng sông bị ô nhiễm.
Hiện nay, Cơ quan Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã và đang hợp tác với một số quốc gia trong đó có Việt Nam triển khai các hoạt động nghiên cứu, xác định những giải pháp tổng thể bảo tồn nguồn nước, kiểm soát ô nhiễm môi trường nước, trước hết là phổ biến và thực hiện khái niệm về “tổng lượng nước sử dụng trong chu trình” sản xuất và sinh hoạt.
|
Chất lượng nước phục vụ cho các mục đích sinh hoạt và phát triển còn nhiều hạn chế
|
|
X. Hợp
(Nguồn: Bộ Tài Nguyên và Môi trường) |