CÔNG TY TNHH
NHÂN PHONG THÁI

161/28/21 Đường Bình Trị Đông,
KP 3, P. Bình Trị Đông A,
Q. Bình Tân, TP.HCM
Điện thoại: 094 982 0279
Email: info.nptgroup@gmail.com

Tiếng Việt English Spain
DANH MỤC SẢN PHẨM
TÌM KIẾM
HỖ TRỢ ONLINE
Skype Me™!
SUPPORT
LIÊN KẾT WEBSITE
TIỆN ÍCH
Giá vàng
Tỷ giá
Dự báo thời tiết
Chứng khoán
THÔNG KÊ
Lượt truy cập:
Đang:


» TIN TỨC » Tin tức - Sự kiện
Xây dựng nhà máy xử lý nước thải công nghiệp ở Cần Thơ - 3 năm còn... trên giấy
Thứ hai, ngày 01 tháng 08 năm 2011 cập nhật lúc 15:11

TP. Cần Thơ hiện có 8 KCN tập trung với tổng diện tích 2.364ha, nằm bên sông Hậu. Trong số này, có 5 KCN sau nhiều năm hoạt động (đặc biệt, KCN Trà Nóc 1 và 2 quy mô gần 300ha cơ bản lấp đầy) nhưng vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hơn 3 năm qua, TP Cần Thơ đã xúc tiến việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải cho các KCN nhưng đến nay vẫn còn… trên giấy! Sông Hậu vẫn ngày đêm oằn mình gánh chịu nước thải ô nhiễm từ các nhà máy xả ra.

Sống cùng ô nhiễm

Nhiều năm qua, người dân sống cặp rạch Sang Trắng (chảy ra sông Hậu, thuộc phường Phước Thới, quận Ô Môn) phải sống trong cảnh ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng do nước thải từ KCN Trà Nóc 2 xả thẳng ra môi trường.

Ông Lê Bá Thanh bức xúc: “Suốt ngày đêm, nước thải từ cống KCN xả ra rạch Sang Trắng đen ngòm, nổi bọt bốc mùi hôi rất khó chịu. Gặp lúc nước sông Hậu đang ròng, mùi hôi càng nồng nặc hơn. Nước thải ở KCN làm cho nước rạch Sang Trắng ô nhiễm nặng, không thể sinh hoạt, cây trái hoa màu không phát triển được. Người dân nhiều lần phản ánh đến phường, quận và thành phố, đặc biệt là tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhưng gần 10 năm qua, việc ô nhiễm nguồn nước không những chưa được khắc phục mà còn trầm trọng hơn”.

Theo Ban Quản lý KCN-KCX Cần Thơ, hiện có 34 doanh nghiệp ở KCN Trà Nóc 1 và 2 và 6 doanh nghiệp ở KCN Thốt Nốt phát sinh nước thải. Theo quy định, các doanh nghiệp này phải có nhà máy xử lý nước thải cục bộ xử lý nguồn nước thải đạt loại A và B (tùy ngành nghề sản xuất) trước khi thải vào hệ thống cống chung của KCN. Tuy nhiên, qua kiểm tra 26 doanh nghiệp chỉ có 11 doanh nghiệp xử lý nước thải tại chỗ đạt quy chuẩn loại B; nước thải của 15 đơn vị còn lại có chỉ số môi trường vượt quy định. Đặc biệt, có 3 doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Điều đáng lo ngại là nhiều năm qua, nước thải của các doanh nghiệp qua xử lý đạt hay chưa đạt đều thải thẳng ra sông, rạch do các KCN chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung, gây ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân.

Theo đánh giá của Sở TN&MT TP. Cần Thơ, chất lượng nguồn nước mặt trên sông Hậu bị ô nhiễm các chất hữu cơ vượt quy chuẩn cho phép và có chiều hướng gia tăng. Riêng chất lượng nước ở 12 kênh rạch trên địa bàn Cần Thơ bị ô nhiễm chất hữu cơ và Coliform đều vượt quy chuẩn cho phép hàng chục lần, có nơi hàm lượng Coliform vượt 181 lần, chủ yếu do nước thải của các doanh nghiệp ở KCN chưa đạt chuẩn thải ra sông rạch gây nên.

Nhà máy xử lý nước thải… trên giấy

Trong cuộc làm việc với Đoàn Giám sát về môi trường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, đại diện lãnh đạo UBND TP Cần Thơ nhìn nhận: Nước thải từ KCN Trà Nóc 1 và 2 không được xử lý triệt để đang gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước sinh hoạt, sức khỏe của cư dân lân cận và trên diện rộng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước cấp cho cư dân TP Cần Thơ. Với tỷ lệ diện tích lấp đầy, hầu hết các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, nguy cơ nguồn nước ở thượng nguồn sông Hậu của TP Cần Thơ bị ô nhiễm trầm trọng là không thể tránh khỏi nếu không kịp thời xây dựng hệ thống xử lý nước thải.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2008, TP Cần Thơ xúc tiến xây dựng 2 nhà máy xử lý nước thải tập trung ở KCN Trà Nóc 1 và 2 với công suất 12.000m³/ngày/đêm và KCN Thốt Nốt 5.000m³/ngày/đêm. Ban đầu, UBND TP Cần Thơ giao cho Công ty TNHH Cấp thoát nước Cần Thơ làm chủ đầu tư dự án nhà máy xử lý nước thải cho KCN Trà Nóc 1 và 2 từ nguồn vốn của Ngân hàng Tái thiết Đức với kinh phí 11,4 triệu EUR. Tuy nhiên, quá trình đàm phán không đạt thỏa thuận về lãi suất và thời hạn vay nên không sử dụng nguồn vốn này.

Đến đầu tháng 3-2011, UBND TP Cần Thơ có Văn bản giao Công ty TNHH một thành viên Xây dựng hạ tầng KCN Cần Thơ (thuộc BQL KCN Cần Thơ) làm chủ đầu tư dự án này. Ngoài ra, TP Cần Thơ cũng mời gọi nhiều đối tác trong và ngoài nước đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Tuy nhiên, trong quá trình xét chọn, TP Cần Thơ chưa đạt được sự thống nhất giữa công nghệ xử lý nước thải và giá thành, nên lần lượt hơn 12 nhà đầu tư đến rồi… không trở lại. Vì vậy, hơn 3 năm qua, nhà máy xử lý nước thải tập trung cho các KCN vẫn còn trên giấy.

Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng BQL các KCN Cần Thơ, cho biết: “Việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải chậm do thay đổi chủ đầu tư. Chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm trong việc chọn công nghệ xử lý nước thải nên nhiều việc phải chờ sự giúp sức của các ngành chức năng. Hiện tại, chúng tôi đang hoàn tất các thủ tục, huy động vốn… để sớm khởi công nhà máy xử lý nước thải tập trung tại KCN Trà Nóc 1 và 2, cùng 1 nhà máy tại KCN Thốt Nốt với tổng vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng”.

Theo quy định của Bộ TN&MT, đến cuối năm 2010, những KCN tập trung chưa có nhà máy xử lý nước thải phải đóng cửa. Trước tình hình này, TP Cần Thơ đã 2 lần xin Chính phủ gia hạn việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại các KCN đến cuối năm 2012. Như thế, sông rạch trên địa bàn TP Cần Thơ, nhất là sông Hậu, mỗi ngày vẫn phải gánh chịu lượng lớn nước thải ô nhiễm từ các KCN; cuộc sống, sản xuất của người dân tiếp tục bị ảnh hưởng… trong khi các nhà máy xử lý nước thải chưa biết khi nào mới làm xong!

Bình Đại

(Nguồn: Bộ Tài Nguyên và Môi trường)

 
Tin tức khác
» Thêm một công ty đầu độc sông Đồng Nai   » Sử dụng bền vững và kiểm soát chặt chẽ chất lượng môi trường nước
» TP. Hồ Chí Minh từng bước khắc phục ô nhiễm môi trường do nước thải bệnh viện  

Bản quyền của NPT Group © 2010. Được thiết kế và phát triển bởi Trajan JSC