Giới thiệu kỹ thuật làm hai loại trần thạch cao nổi và trần chìm
ĐẶC TÍNH KỸ THUẬT:
Bề mặt mịn, phẳng, đẹp mắt, dễ dàng trang trí và có độ cứng tốt.
Dễ dàng ghép nối các tấm lại với nhau, tường nhà và trần sẽ rất phẳng mịn. Hơn nữa vì bề mặt của tấm thạch cao mịn láng hơn tất cả các loại tường bê-tông nên nó tạo cho ngôi nhà một dáng vẻ vượt trội.
Sau khi hoàn tất trang trí, có thể sử dụng sơn tay hay sơn xịt hoặc các loại trang trí khác như giấy dán tường hoặc gạch trang trí.
Đặc tính hữu cơ của tấm thạch cao là mềm dẻo nên không bị nứt dù được sử dụng một thời gian dài, đó là một lợi thế đáng kể trong việc sử dụng tấm thạch cao cho các công trình xây dựng.
Tấm thạch cao cũng có thể dễ dàng ứng dụng cho các trần nhà và tường có độ cong vênh.
Tấm thạch cao có khả năng chống cháy và cách nhiệt rất tốt. Nó không hấp thu độ nóng và tỉ lệ dẫn nhiệt thấp hơn các loại vật liệu khác như bê-tông, gạch, kính… Do vậy tấm thạch cao có thể ngăn cản sức nóng và giảm đi năng lượng tiêu thụ cho hệ thống máy điều hòa.
Vì có đặc tính cách nhiệt nên tấm thạch cao được sử dụng rộng rãi cho trần và tường nội thất để ngăn ngừa hỏa hoạn. Hơn nữa, nó cũng rất thường được dùng như là phần bọc ngoài của các cấu trúc cao tầng nhằm ngăn ngừa thiệt hại trong trường hợp có cháy. Tấm thạch cao có khả năng chịu đựng được lửa trong hơn 3 giờ đồng hồ.
Một chức năng khác nữa là cách âm. Tấm thạch cao có khả năng làm giảm đi âm thanh từ khoảng giữa 35-60dB. Đây chính là lý do vì sao các rạp hát, nhà máy… thường chọn tấm thạch cao cho hệ thống cách âm.
Thạch cao lại không thích hợp trong môi trường ẩm ướt, khiến tấm trần đổi màu, dộp, nở, cong vênh, lưu ý khi thiết kế và thi công
QUY CÁCH CHUNG:
Tấm thạch cao có 2 kiểu cạnh chính, phù hợp với các mục đích sử dụng khác nhau: Thi công trần nổi (T-Bar), trần chìm và hệ thống tường nội thất.
KÍCH THƯỚC :
1. 1210mm x 2420mm x 9mm
2. 1220mm x 2440mm x 12mm
Thi công trần thạch cao chìm
Để thi công trần thạch cao chìm, trình tự các bước như sau:
1.Xác định cao độ trần
Dùng thước thủy hoặc thước bắn tia laser để xác định chiều cao trần
Lấy dấu vị trí của mặt bằng trần trên vách hay cột, thường thì nên vạch cao độ ở mặt dưới của khung trần.
2. Lắp cố định thanh viền tường
Dùng khoan hoặc búa đóng đinh thép cố định cho thanh viền tường lên tường. Khoảng cách lỗ đinh sao cho nhỏ hơn 30cm để đảm bảo độ vững chắc của thanh viền.
3. Phân bố chia khoảng trần
Chia mặt trần các khoảng cách thích hợp với các khoảng cách tâm điểm của thanh chính so với thanh phụ là 600x1200mm; 610x1220mm; 600x600mm; 610x610mm.
4.Treo TY
Cố định các điểm treo ty bằng cách khoan trực tiếp bằng mũi khoan 8mm và liên kết bởi “pát” và tắc kê. Phân bố khoảng giữa các ty là 1200mm và ty gần nhất cách vách 610mm.
5. Lắp Thanh Chính
Thanh chính được lắp với khoảng cách khoảng 800-1200mm. Thông thường, các nhà kỹ thuật đặt theo chuẩn là 1000mm.
6. Lắp thanh phụ
Thanh phụ được lắp vào thanh chính gián tiếp hoặc trực tiếp.
Sau khi lắp xong các thanh, xem lại và chỉnh sao cho các khung có vị trí đều, ngay ngắn, mặt khung phẳng.
7.Lắp đặt tấm thạch cao
Lắp tấm thứ nhất
Kiểm tra lại các tấm phải còn nguyên vẹn không bị sứt mẻ góc.
Lắp chặt các tấm bằng vít với khoảng cách không lớn hơn 200mm.
Lắp sao cho chiều dài tấm vuông góc với thanh phụ
Lắp tấm thứ hai
Khi lắp tấm lớp thứ hai này phải bắt lệch một thanh phụ so với lớp một và chú ý chừa một khe hở.
8. Phủ kín mối nối
Phủ kín các mối nối giữa các tấm, các đầu vít thường dùng là bột bả. Đảm bảo sau khi phủ bề mặt bằng bột bả, bề mặt trần phải phẳng tránh để lại gợn sóng. Lưu ý trước khi sơn bả, khoảng cách giữa các tấm phải được dán băng keo lưới để đảm bảo bề mặt trần không bị bong nứt về sau.
Cuối cùng là dùng cưa và dao để xử lý cắt viền trần. Về cơ bản, quá trình làm trần thạch cao coi như hoàn thiện, chỉ lưu ý trước khi tiến hành cần xem kỹ bản vẽ để có biện pháp xử lý các vị trí lắp đặt thiết bị nội thất khác trên trần như quạt, đèn… (như hình trên).
Cách làm trần thạch cao nổi
Hệ thống khung trần nổi là hệ thống khung treo trần tấm thả với qui cách tấm trần 600*600 và sau khi công trình hoàn thiện thi nhìn thấy các đường viền xương của khung treo.
Các bước thi công trần nổi được thực hiện tương tự như làm đối với trần chìm cho tới bước lắp thanh chính (bước 5). Thanh chính và thanh phụ của trần nổi có cấu tạo khác với trần chìm. Tiến hành tiếp như sau:
Lắp thanh phụ
Lắp các lỗ mộng của thanh chính với đầu ngàm của thanh phụ dài 1200 hoặc 1220 cách nhau 600mm.
Lắp lỗ mộng của thanh phụ dài vào đầu ngàm của thanh phụ ngắn 600 cách 600mm.
Sau khi điều chỉnh khoảng cách và vị trí đều đẹp, tiến hành lắp tấm thạch cao lên trên khung.
Tấm được lắp khớp vào các thanh. Quan sát lại vị trí các tấm thật kỹ càng, vệ sinh bề mặt trần trước khi hoàn thiện.
Trên đây là phần giới thiệu cách làm hai loại trần thạch cao nổi và trần chìm. Chỉ cần có tính thẩm mỹ, khéo tay là các bạn có thể tự mua nguyên vật liệu về và tự thiết kế trần thạch cao cho ngôi nhà của mình.
|